Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Tổng quan thông tin về cảnh quan tp Đà Lạt: Kiến trúc cảnh quan của TP. Đà Lạt là một bức tranh có sắp xếp theo một bố cục, không theo dạng hình học nhưng vẫn tuân theo những nguyên tắc về sư phối hợp giữa 4 yếu tố hình khối: địa hình tạo khối và bộ khung của cảnh, mặt nước tô điểm cho cảnh và tạo sự tĩnh mịch tác động đến nội tâm con người, cây xanh là màu nền của bức tranh và là bộ lọc không khí chống bụi bặm và tiếng ồn, kiến trúc là nét nhấn, nét chấm phá của phong cảnh và là tiện
nghi sinh sống của con người.


Về địa hình, cần bảo vệ những điểm cao và các đường cong của các ngọn đồi là hình dạng căn bản của cao nguyên, tránh sự cải tạo khai phá đất (san ủi mặt bằng, khai thác hầm cát đá...), cần có quy định về một khoảng trống bất kiến tạo đủ rộng để bảo vệ tầm nhìn về phía dãy núi Lang Biang là tấm phông chính của mọi bức tranh phong cảnh của Đà Lạt. Ngoài ra cũng cần có chương trình cải tạo các vùng trũng ẩm thấp trong khu trung tâm thành những vùng đất hữu dụng (công viên, khu gia cư...).

Về mặt nước, việc duy trì và xây dựng thêm nhiều hồ nhân tạo sẽ càng tô điểm phong cảnh và tạo được nhiều hạt nhân trung tâm của khu chức năng (khu công cộng, dân cư, du lịch...), cần có biện pháp tuyệt đối bảo vệ lưu vực các suối chính chống sự ô nhiễm và bồi lắng: thành lập chương trình tái định cư đồng bào sinh sống dọc theo lưu vực suối Cam Ly, đồng thời với chương trình dài hạn nạo vét phục hồi các hồ đã tồn tại.

Về cây xanh, tuyệt đối không khai thác cây xanh và rừng Đà Lạt. Trong thành phố, thông là cây xanh đô thị, và ở khu ngoại vi, rừng thông phục vụ du lịch, ngoạn cảnh, săn bắn, cắm trại, bảo vệ lưu vực các sông Đồng Nai, Đa Nhim... Cần quy định ranh giới cụ thể của rừng bảo tồn với những quy định nghiêm ngặt không cho phép xây cất, trồng trọt, khai thác lâm sản và khoáng sản, làm nhà máy...

Về kiến trúc công trình, phải tái khẳng định tính chất thành phố công viên, thành phố - vườn.

Họa đồ quy hoạch, phân lô xây dựng TP. Đà Lạt phải xác định thật rõ ràng ranh giới các phân khu chức năng. Khu danh lam thắng cảnh, khu công sở, khu biệt điện, khu biệt thự các hạng A, B, C..., khu nhà biệt lập, nhà song lập, khu nhà phố, khu nhà có vườn, khu thương mại, khu chung cư, khu công cộng, công viên, khu thể thao, du lịch, khoảng trống bất kiến tạo...

Kích thước lô đất phải được phân chia phù hợp với từng loại công trình để có được không gian trống kèm theo, dành cho vườn hoa cây cảnh hay để tạo sự thoáng đãng cho tầm nhìn cảnh quan chung. Để cụ thể hóa không gian trống kèm theo, cần phải có những quy định có tính chất bắt buộc cho từng loại công trình về mật độ tối đa của công trình được phép xây dựng trong lô đất và khoảng cách tối thiểu tính từ ranh giới lô đất đến công trình.

Tuyệt đối không cho phép xen cấy lẫn lộn các dạng nhà khác nhau trong cùng một phân khu hay chia cắt đất đã được phân lô hợp lý để xây dựng thêm công trình.

Hiện nay và trong tương lai, vấn đề giải quyết nhà ở cho cư dân của thành phố là bài toán nan giải nhất, nhưng cần phải được ưu tiên giải quyết để tránh sự lan tràn tự phát gây nguy hại đến các vùng cảnh quan của thành phố. Để tăng quỹ nhà ở, chúng ta có thể đa dạng hóa các trung tâm dân cư, trên nguyên tắc tạo thành các quần thể công trình - công viên hay công trình-vườn biệt thự các loại, nhà biệt lập có sân vườn, nhà vườn, quần thể nhà ở cao tầng có công viên bao quanh...

Quan trọng nhất và hơn bao giờ hết là đồ án cải tạo, chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt cần được nghiên cứu kỹ về mọi mặt, sớm được ban hành kèm theo một chương trình sử dụng đất và điều lệ quản lý được duyệt, có tính chất pháp lý để thực hiện. Có như vậy, thành phố Đà Lạt mới có điều kiện để được phát triển cân đối, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vốn là di sản độc đáo cần được chăm sóc và tôn tạo.

Đất đô thị là một tài sản vô giá chỉ có mất đi mà không thể tự sinh ra được. Giá trị của đất đô thị Đà Lạt không giới hạn trong phạm vi các khu dân cư hay thương mại, mà có giá trị ngay cả tại những khu rừng thông hay khoảng đất trống còn hoang sơ không có người ở, nó mang lại cho chúng ta môi trường trong lành, cảnh quan xinh đẹp và những nguồn lợi tức lớn lao từ ngành du lịch. Ngoài ra, quỹ đất còn là nguồn vốn để giữ gìn và phát triển đô thị bằng giá trị cho thuê sử dụng đất, thông qua những chương trình hợp lý mà vẫn bảo đảm được sự hài hòa của kiến trúc cảnh quan của thành phố.

Trên đây là một số suy nghĩ ban đầu để phụ họa vào việc giữ gìn bức tranh phong cảnh và kiến trúc cảnh quan của Đà Lạt. Những nét trên không phải là những sáng kiến mới được khám phá, mà thực tế đã được nhà quy hoạch và quản lý đô thị đặc biệt là các kiến trúc sư người Pháp, và sau đó là người Việt, nghiên cứu công phu và thực hiện thành công tại Đà Lạt, tạo nên những di sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Lẽ nào chúng ta không tìm cách chọn lọc và áp dụng những thành quả đó để giữ gìn, tôn tạo và phát triển thành phố chúng ta ngày thêm đẹp hơn?

1 nhận xét:

  1. Trời ơi nhìn mà thèm quá đúng là Đà Lạt không phụ lòng ai.Các bạn nếu muốn tiết kiệm chút tiền để ăn uống thoả thích các bạn có thể tièm hiểu về ứng dụng Traveloka nhé hắc click Khách sạn giá rẻ tại Đà Lạt sẽ rất thú vị đó

    Trả lờiXóa